Digital Marketing Viết blog

Tỷ lệ chuyển đổi (CR) là gì và cách tăng CR cho Blog

Tỷ lệ chuyển đổi – Conversion Rate là gì

Tỷ lệ chuyển đổi (CR) là gì và cách tăng CR cho Blog

Giải thích vắn tắt: Tỷ lệ chuyển đổi (Conversion rate – CR) là tỷ lệ ước tính dựa trên tổng số người dùng truy cập Blog hoặc Website mà có thực hiện hành vi chuyển đổi mua hàng thành công.

Tuy nhiên, để tăng tỷ lệ này ra sao thì mời bạn đọc chi tiết bài blog bên dưới nhé.

Khi bước chân vào cộng đồng làm MMO cũng như thế giới Digital Marketing, chắc chắn bạn đã nghe nói đến từ “Tỷ lệ chuyển đổi”, đúng chứ?

Nếu bạn chưa áp dụng nó trong công việc mà chỉ mới biết đến nó qua thông tin đại chúng và đang muốn nghiên cứu kỹ nó thì đây là điều đáng mừng. Ngược lại, nếu bạn chưa từng nghe cụm từ này bao giờ thì đây là lúc bạn nên tìm hiểu nó trong bài viết này.

Tại sao mình lại đề xuất việc bạn nên chú ý bài viết này?

Dưới đây là vài lý do mà mình nghĩ bạn cũng đang thắc mắc:

– Tại sao website của tôi lên top hàng chục, hàng trăm từ khóa trang 1 mà không có khách mua hàng hoặc liên hệ tư vấn?

– Tôi làm chiến dịch Marketing cho Blog/Website rất tốt, nhưng không hiểu sao tỷ lệ Bounce Rate cứ tăng cao mà không hề có khách quay lại (Bounce Rate cho bạn biết tỷ lệ khách chỉ xem 1 bài trên website rồi không quay trở lại lần nào nữa).

– Nhiều doanh nghiệp bỏ tiền chạy quảng cáo quá, chiếm hết 4 vị trí đầu tiên để hút khách rồi còn đâu.

v.v và nhiều câu hỏi khác…

Nếu bạn thấy bản thân mình trong các câu hỏi bên trên thì đây sẽ là dấu hiệu CẤP BÁO ĐỎ đấy!

Nghĩa là bạn hiểu việc SEO là tốt nhưng chưa đủ. Muốn xây dựng thành công một Online Business, một người sáng tạo nội dung với hình thức làm MMO thì không nên chỉ dừng lại ở việc SEO từ khóa lên top là đủ.

Bạn phải làm sao để biến lượng người dùng truy cập đó thành khách hàng luôn của bạn và tốt hơn nữa là họ quay trở lại với bạn.

Vì thế, mình mới nói tỷ lệ chuyển đổi là thước đo đánh giá năng lực vào thành công của từng người là thế.

Tuy nhiên, phần dưới bài blog này mình sẽ chia sẻ một số cách để tăng tỷ lệ chuyển đổi giúp bạn. Nhưng trước tiên bạn nên hiểu tỷ lệ chuyển đổi là gì, nó hoạt động như thế nào để có chút nền tảng trước nhé!

Tỷ lệ chuyển đổi nghĩa là gì?

Theo Wikipedia thì tỷ lệ chuyển đổi được định nghĩa là tỷ lệ khách truy cập vào Website nhằm thực hiện hành động chuyển đổi thành công khi xem nội dung thông thường hoặc truy cập Website do yêu cầu tinh tế hoặc trực tiếp từ nhà tiếp thị, nhà quảng cáo và người sáng tạo nội dung.

Nghe thì có vẻ lấn cấn và khó hiểu nhỉ, mình sẽ giải thích dễ hiểu hơn cho bạn nắm:

Tỷ lệ chuyển đổi (tiếng Anh là Conversion Rate) được viết tắt thành CR và nó sẽ hiển thị đơn vị %. Đơn vị tính này thể hiện tỷ lệ người dùng đã thực hiện hành động (mua hàng, click xem sản phẩm…) trên tổng số người đã truy cập đến Blog/Website của bạn.

Hành động này của người dùng được gọi là chuyển đổi => chuyển đổi này chính là hành vi mua hàng, điền form đăng ký nhận Email Marketing hoặc là hoàn thành việc gửi đánh giá, khảo sát để bạn có thông tin từ người dùng. (Mình chỉ ví dụ vài hình thức để bạn thu thập thông tin người truy cập).

Vậy công thức để có cách tính tỷ lệ Conversion Rate này như thế nào?

Hãy xem hình minh họa bên dưới:

Công thức tính tỷ lệ chuyển đổi
Công thức tính tỷ lệ chuyển đổi – Conversion Rate

Đây là ví dụ để bạn dễ hình dung bức tranh hơn:

Hôm nay, Blog của bạn có tổng 500 lượt truy cập trong ngày. Cuối ngày, bạn kiểm tra có 10 người đã mua hàng thông qua Blog của bạn.

Cụm từ “mua hàng” này sẽ nói chung cho các hành vi: Điền form đăng ký nhận bản tin email hoặc mua sản phẩm/dịch vụ hoặc.

Bạn lấy con số người mua hàng này chia cho tổng số lượt truy cập Website trong ngày => Rồi lấy tất cả nhân với 100 => bạn sẽ ra con số Conversion Rate cuối cùng.

CR = (10/500) x 100 = 2% => Với con số 2% này quá thấp, bạn phải tìm các để biến con số này càng cao càng tốt. Thử tưởng tượng 500 người truy cập và hết thảy 500 người đều mua hàng thì con số này là 100%. Quá tuyệt đúng không?

Tại sao bạn nên chú trọng việc TĂNG tỷ lệ chuyển đổi?

Tối ưu tỷ lệ chuyển đổi website

Phần lớn người truy cập vào Blog/Website của bạn đều là một khoản đầu tư tiềm năng cho bạn. Cho dù bạn đang thực hiện quảng cáo trả phí hay chỉ SEO thủ công thì bạn vẫn kiếm được lưu lượng truy cập vào Blog của bạn.

Khi con số CR này tăng lên, bạn sẽ nhận được ROI tốt hơn và đây là một trong những số liệu quan trọng nhất bạn nên theo dõi.

Thường thì con số CR tối thiểu bạn cần đạt là 10% và hãy biến con số này tăng dần đều lên. Khi tỷ lệ chuyển đổi càng cao sẽ đồng nghĩa với việc tiền về túi bạn càng nhiều.

Có traffic = Có tiền NHƯNG Traffic tiềm năng mua hàng nhiều = Càng nhiều tiền hơn.

=> Đây chính là lý do quan trọng và đánh trúng tâm lý của rất nhiều người khi giải đáp câu hỏi “Tại sao phải quan tâm Tỷ lệ chuyển đổi?”.

Quay lại vấn đề SEO, việc một ông có thứ hạng top 5 trên Google nhưng lại bán được nhiều hàng hơn cái ông Top 1,2 là chuyện rất bình thường trong kinh doanh online.

Nghĩa là, SEO website chỉ là một nhánh nhỏ của cây cổ thụ mang tên Marketing. SEO lên top chỉ đáp ứng 1/2 chặng thường thôi.

Vấn đề tiếp theo là khi khách click vào Website/Blog của bạn, họ sẽ thấy những gì, họ có tìm được cái họ đang cần hay chưa, bạn đã trao giá trị để họ thích thú và tin tưởng tuyệt đối vào sản phẩm/dịch vụ của bạn không.

Đặc biệt là khi họ tin tưởng bạn rồi thì hành động cuối cùng chính là MUA HÀNG.

Công việc này mình sẽ gọi nó là TỐI ƯU HÓA TỶ LỆ CHUYỂN ĐỔI, việc tối ưu này sẽ không những giúp bạn có vị trí an toàn trên các công cụ tìm kiếm và mà còn khác biệt hơn so với các đối thủ. Sự khác biệt này sẽ giữ chân khách hàng ở lại website, không chỉ xem qua loa mà còn trực tiếp mua hàng ngay và luôn!

Còn trường nếu bạn không giỏi SEO, chưa SEO lên nổi top 10 nữa thì liệu có thể cứu vãn tình thế không?

Đương nhiên là CÓ THỂ.

Nếu bạn biết cách để khách hàng ở lại lâu trên Blog, khiến họ thích thú nội dung để đi lòng vòng trong Blog của bạn (onsite cao) thì Google sẽ đánh giá blog của bạn có nhiều giá trị thì người dùng mới ở lâu như vậy được => Tín hiệu rõ ràng cho việc bạn sẽ đạt thứ hạng cao hơn đối thủ trong tương lai gần.

Hiện nay việc tối ưu hóa tỷ lệ chuyển đổi (CRO) có nhiều cái để nói. Đây là một chủ đề có độ phủ rất lớn. Nó được xem như là một ngành khoa học để những dân Digital Marketing tìm kiếm và khám phá. Bạn có thể tra Google để tham khảo thêm.

Vì CRO là một chủ đề quá rộng, bài blog này mình không thể nói hết được, nói có khi mấy mấy ngày cũng chưa xong. Đã gọi là tối ưu thì nó sẽ có nhiều hình thức khác nhau dựa trên kinh nghiệm của mỗi người: Test, test và tiếp tục test để có kết quả tương đối nhất.

Mình cũng nói rõ luôn dù là chuyên gia Marketing nào đi nữa thì họ cũng chẳng có một công thức chung cho việc tối ưu hóa tỷ lệ chuyển đổi cho bạn đâu.

Tại sao mình khẳng định chắc nịch như thế?

Đơn giản vì các chủ đề hay lĩnh vực mỗi người khác nhau, sản phẩm/dịch vụ cũng khác nhau. Một blog chuyên đề bán vé máy bay giá rẻ sẽ khác biệt so với một Website về bán đồng hồ nam.

Tuy nhiên, nói như thế không hẵn không có cách!

Sẽ có những quy tắc chung, kiến thức cơ bản mà bạn cần biết để tối ưu chuyển đổi thành công => Việc này bắt buộc chúng ta phải tự test để có kinh nghiệm riêng cho chủ đề blog/Website của bạn.

Phần 2 dưới đây, mình sẽ giúp bạn thu nhỏ bản đồ tối đa hóa tỷ lệ chuyển đổi để bạn dễ hình dung hơn!

Bắt đầu thôi!

Một số phương pháp giúp tối ưu hóa tỷ lệ chuyển đổi cho Blog

1. Tối ưu hóa giao diện Blog

Giao diện Blog (Theme) được xem là “linh hồn” của một trang web. Giao diện website rất quan trọng vì nó là thứ gây ấn tượng đầu tiên cho khách hàng lần đầu truy cập.

Nhiều khách hàng rất khó tính trong việc tìm mua sản phẩm/dịch vụ chất lượng mà họ cần. Thời đại Internet mở nên khá nhiều Website hoặc Blog mọc lên như nấm => họ sẽ có nhiều lựa chọn hơn.

Nếu giao diện blog của bạn bắt mắt, load nhanh thì nó sẽ là yếu tố để khách hàng cân nhắc và tin tưởng hơn vào sự chuyên nghiệp của bạn.

Bạn hãy thử đặt bạn vào vị trí khách hàng xem như thế nào. Bạn đang tìm một sản phẩm để mua nhưng truy cập vào các website mà giao diện xấu, tải trang lâu và một website giao diện đẹp, thu hút bạn thì bạn sẽ chọn Website để ở lại?

Khi khách hàng ở lại càng lâu trên Blog/Website của bạn thì  rất có khả năng họ sẽ mua hàng ngay.

Với một giao diện đẹp, thời gian tải trang nhanh sẽ cho chỉ số bounce rate cực thấp, thường từ 20-30% là mức độ tốt nhất, hoặc nếu dưới 20% là cực tốt.

  • Ghi chú nhỏ: Ví dụ Bounce Rate trên blog của bạn 20%. Nghĩa là 100 khách truy cập vào website thì 80 người ở lại trang xem thông tin.

Ví dụ như thời gian đầu Blog Tuankynguyen mặc dù chạy trên hosting Hawkhost đã khá ổn rồi, mình vẫn tiếp tục tối ưu giao diện blog lại sao cho vừa đơn giản vừa bắt mắt nhất. Kết quả kiểm tra thì blog tăng lên 30% pageview.

Cách để trở thành một Blogger chuyên nghiệp

2. Xây dựng nội dung tốt cho Blog

Một giao diện đẹp phải đi song song với chất lượng nội dung thì mới giữ chân khách hàng được. Giao diện website đẹp mà nội dung sơ sài, chưa trình bày đủ những gì khách hàng đang cần sẽ khiến bài toán kinh doanh online về 0.

Người dùng tìm kiếm một từ khóa nào đó và vô tình biết đến Blog/Website của bạn. Bài viết đó của bạn phải đáp ứng được cái mà người dùng đang tìm, bạn phải khiến họ đi sâu nhiều hơn trên blog của bạn.

Nếu nội dung sơ sài, lượm nhặt thì khách hàng sẽ out ra ngay lập tức => Bạn mất đi khách hàng tiềm năng.

Nghĩa là bạn phải khiến họ nhanh chóng tìm ra câu trả lời cho nhu cầu của họ, chứ không phải để họ truy cập một trang web khác.

Kỹ thuật viết content chính là con cờ tướng quan trọng nhất trên bàn cờ. Bạn phải trao giá trị cho khách hàng, phải khiến họ tin tưởng tuyệt đối và lý do mà họ quyết định mua hàng từ bạn…

Nghe có vẻ mông lung nhỉ? Nhưng để bạn hiểu tường tận nên mình mới viết chi tiết như vậy đấy!

Đây là vài thủ thuật để thu hút khách hàng trong nội dung:

+ Main Title – tiêu đề chính, tiêu đề bài Blog, tiêu đề bài giải đáp thông tin,…

+ Personal opinion – Đưa ra ý kiến cá nhân của bạn để khách hàng tham khảo và tin nhận bạn là một chuyên gia thực sự.

+ Subtitle – các tiêu đề con nhỏ mở rộng

+ Hình ảnh.

+ Social proof

+ Testimonial

Đấy là những nguyên tố cơ bản để hoàn thành một content chất lượng. Bạn nên có mindset riêng để biến tấu nó theo phong cách viết bài riêng của bạn để khi ai đọc vào cũng thấy có sự độc đáo + riêng biệt.

3. Tối ưu kỹ thuật A/B Testing

A/B Testing là gì? Mình sẽ phân tích cách ngắn gọn như sau:

A/B Testing là một phương pháp giúp bạn phân tách website thành 2 nhánh để kiểm tra mức độ hiệu quả từ Nội đến đến Thiết kế website.

Ví dụ như blog của bạn có một lượng traffic là 100% nhé.

Bạn chia lượng traffic người dùng này thành 2 phần tách biệt: Nhóm traffic A và nhóm traffic B.

Mỗi mỗi nhóm traffic ở trên, bạn hãy nghiên cứu xem ở 2 phiên bản khác nhau thì phiên bản nào mang lại tỷ lệ chuyển đổi mua hàng hiệu quả nhất.

Ảnh minh họa bên dưới sẽ dễ hình dung hơn.

A/B testing

Việc sử dụng kỹ thuật test này giúp bạn thu thập được dữ kiện tiềm năng trong việc tạo ra chuyển đổi. Áp dụng mô hình này sẽ làm tăng số lượt truy cập cũng như lượt nhấp của người dùng vào Blog/Webpage.

Do đó, phần thiết kế một giao diện website, các landing page sẽ là ghi chú quan trọng để đánh giá hiệu quả của chuyển đổi.

Việc áp dụng kỹ thuật A/B Testing cho Blog hoặc Website đòi hỏi phải có lưu lượng truy cập lớn. Nếu bạn là người mới tạo blog hoặc tập tành làm Web chơi chơi thôi thì áp dụng A/B Testing sẽ rất mất thời gian mà chả đo lường được cái gì hết.

4. Kỹ thuật dùng nút Call-To-Action

Call-To-Action là một cụm từ kêu gọi hành động nhằm kích thích người dùng click vào mua hàng.

Call To Action sẽ có 2 hình thức chính yếu:

  • Nút kêu gọi mua hàng
  • Lời kêu gọi được hiển thị bằng text ngắn – nghĩa là chỉ với vài từ hoặc 1 dòng câu mà khi người dùng đọc qua rất muốn click vào để xem chi tiết nó là gì => thông thường là đến trang bán hàng.
Call To Action
Một Call To Action gây chú ý sẽ tăng lượt nhấp hơn

Trong quá trình lướt web, chắc hẳn bạn đã từng nhìn thấy những câu như: “Sắp hết giờ” , “Khuyến mãi chỉ còn 2 ngày” hoặc hiển thị đồng hồ đếm ngược về thời gian kết thúc chương trình giảm giá.

Vậy những kiểu như thế nó nói lên điều gì? => Tính kêu gọi khẩn cấp.

Những lời kêu gọi “khẩn cấp” này đánh vào tâm lý mua hàng của người dùng hiện nay, thúc ép họ mau click vào nếu không muốn bỏ lỡ sản phẩm khuyến mãi cực lớn.

Chúng sẽ được hiển thị bằng các button to hoặc hình ảnh được thiết kế cực sinh động, bắt mắt để kích thích lượt nhấp chuột.

Ví dụ mùa Black Friday và Cyber Monday vừa kết thúc mấy ngày trước, phần lớn các trang thương mại điện tử, kể cả các blog cá nhân cũng đều tung khẩu hiệu Call To Action này.

Bạn sẽ thấy đại loại như:

“TODAY SALES OF 70%”

“JUST 3 DAY FOR 30% SALE OFF”

“LIMITED EDITION FOR THIS LAUNCH”

Hoặc nếu có thể, mình gợi ý bạn nên “thay mặt” khách hàng để thể hiện họ muốn mua hàng. Các từ này mang động thái đồng ý ngay như: “Yes, I want to buy it“, “Get you to store” hoặc “Check it out right here“.

Do mình chơi thị trường nước ngoài nhiều nên những thuật ngữ này bạn sẽ thấy mình dùng tiếng Anh nhiều hơn. Bạn có thể căn cứ vào đây để tham khảo và làm Call-To-Action nhé.

Ngoài ra, bạn cũng nên quan tâm đến vấn đề màu sắc của nút kêu gọi nữa.

Thực ra, vấn để màu sắc cũng không quan trọng mấy nhưng các chi tiết nhỏ này lại tác động thị hiếu người dùng rất nhiều.

Bạn sẽ không thể thiết kế màu sắc nút kêu gọi trùng tông màu với giao diện web => người dùng sẽ quen dần với giao diện website và đôi khi sẽ lướt qua nút kêu gọi vì trùng lặp màu sắc.

Chỉ cần nắm quy tắc: Nút kêu gọi phải tương phản với màu giao diện của Blog/Website của bạn.

Màu nền của nút và màu chữ bên trong nút phải khác so với màu chữ nội dung bài viết.

Qua kinh nghiệm cá nhân của mình, thì các nút CTA mang màu sắc nóng như: Đỏ, Cam sẽ thu hút và tăng lượt click nhiều hơn các nút gam màu còn lại.

Cho dù bạn là người đam mê kiếm tiền online hay một doanh nghiệp online thì ngoài vấn đề traffic ra thì việc cải thiện chỉ số CR là nhiệm vụ bắt buộc.

Nếu bạn đang kiếm tiền online với Affiliate Marketing thì bạn chỉ cần làm sao để người dùng click vào các liên kết Affiliate càng nhiều càng tốt là được. Các vấn để trang đích đã có phía nhà phân phối họ tự làm. Bạn hiểu chứ?

Còn nếu bạn đang kinh doanh sản phẩm/dịch vụ riêng của bạn thì đòi hỏi bạn phải làm mọi thứ cho việc tối ưu này.

Một cách thông minh và tiết kiệm nhất chính là sử dụng công cụ tạo phễu bán hàng, nó sẽ thay bạn làm tất tần tật để có được chuyển đổi cao nhất.

Tạm kết

Bài viết quá dài đúng không? Tuy dài nhưng mình mong là bạn đã đọc chi tiết từng tiêu đề của mình để hiểu rõ định nghĩa tỷ lệ chuyển đổi là gì rồi. Hãy cố gắng trau dồi thêm các kỹ năng khác để gia tăng tỷ lệ chuyển đổi nhé. Có traffic là một chuyện, việc biến traffic thành sale lại là 1 chuyện khác nữa nhá.

Chúc bạn thành công!

NHẬN BÀI VIẾT MỚI
Đăng ký nhận những hướng dẫn mới nhất từ Blog nhé!
Tôi đồng ý chuyển thông tin cá nhân của mình cho GetResponse ( more information )
Bảo mật thông tin email tuyệt đối! Cam kết không SPAM!
5/5 (1 Review)
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận