Viết blog là gì? Nên viết blog đúng cách như thế nào?
10/04/2024 2024-07-12 12:26Viết blog là gì? Nên viết blog đúng cách như thế nào?
Viết blog là gì? Khi lần đầu mình nghe cụm từ này là vào năm 2017, thời điểm mà mình đang chênh vênh trong công việc. Khái niệm viết blog có giống như “Viết Entry” trên các diễn đàn học trò, blog Yahoo 360 mà ngày xưa mình hay viết hay không?
Đó vẫn luôn là những câu hỏi đầu tiên trong hành trình viết blog cá nhân của mình. Thực sự thì việc bắt đầu một Blog cá nhân đã mang lại cho mình nhiều trải nghiệm thú vị và tăng tính sáng tạo hơn.
Tuy nhiên, viết blog cũng sẽ là một thách thức lớn cho những người mới tìm hiểu, vì nếu bạn hiểu sai về Blog và công việc viết blog thì sẽ đi sai đường.
Viết blog nó hoàn toàn khác với viết entry nha các bạn. Viết entry sẽ mang khuynh hướng là nhật ký online, bạn vui buồn, bạn gặp chuyện gì đó không vui hoặc đi chơi đâu đó rồi tối về viết entry ghi lại những diễn biến trong ngày.
Còn viết blog thì “đẳng cấp hơn” là bạn vừa có thể chia sẻ đời tư cá nhân mà vừa chia sẻ những suy nghĩ, kinh nghiệm hoặc các kiến thức mà bạn am hiểu để truyền đạt đến nhiều người hơn.
Viết blog còn thể hiện góc nhìn cá nhân của bạn mà khi ai đó đọc họ sẽ đồng hành cùng bạn xuyên suốt.
Bài viết này, Tuankynguyen sẽ giải thích đầy đủ cho bạn về Viết blog là gì, đồng thời chỉ dẫn bạn nên viết blog như thế nào để tạo được thương hiệu cá nhân và tăng thu nhập từ công việc này.
Viết blog là gì? Hiểu như thế nào cho đúng?
Viết blog là công việc bạn xuất bản nội dung trên một trang web bất kỳ mà bạn quản lý. Công việc này bạn sẽ phải làm việc trên máy tính, laptop là chính. Chỉ cần một chiếc laptop + kết nối wifi là bạn đã tự do mà viết blog được rồi. Đơn giản là thế.
Ngoài ra, cũng sẽ có 2 kiểu Blog bạn cần nắm:
- Thứ nhất là blog cá nhân.
- Thứ hai là chuyên mục Blog của một website doanh nghiệp.
Công việc viết blog này diễn ra thường xuyên và đều đặn mỗi tuần. Nội dung của những bài viết mà bạn đăng tải lên website sẽ nói về kinh nghiệm, kiến thức và các thông tin cần thiết của một chủ đề blog nhất định.
Mình sẽ nói trước về chuyên mục Blog để bạn dễ hình dung:
Và mục đích chính của những bài viết như thế sẽ để quảng bá dòng điện thoại mà Doanh nghiệp A đang bán cũng như các thông tin cần thiết về điện thoại đến người dùng.
Còn viết blog cá nhân thì lại là câu chuyện khác.
Khi bạn viết bài trên blog cá nhân của bạn thì phong cách hành văn sẽ mang tính cá nhân nhiều hơn là các bài viết truyền thông của website doanh nghiệp. Người viết blog được gọi là các blogger. Viết blog trên blog cá nhân thông thường là kiểu viết bài chia sẻ quan niệm, ý kiến và kinh nghiệm về một chủ đề blog mà bạn am hiểu nhất.
Nội dung bài viết cho blog sẽ gồm hình ảnh, video, dữ liệu cụ thể. Do đó, khi bạn là một blogger thì khi viết blog, bạn sẽ dễ sáng tạo nội dung hơn và không bị chi phối các quy tắc viết bài mà doanh nghiệp đưa ra.
Bởi viết blog mang tính cá nhân hóa nên sẽ rất thu hút tính hiếu kỳ của người đọc => Từ đó làm tăng tỷ lệ chuyển đổi cao hơn nếu blog của bạn có quảng cáo kiếm tiền.
Ví dụ như blog Tuấn Kỷ Nguyên này, mình chỉ viết blog về chủ đề MMO và Digital Marketing là chính. Và với chủ đề blog này, mình rất thoải mái viết những gì mình am hiểu về ngành Marketing và kiếm tiền online cho những người mới.
Khi bạn xác định được chủ đề cần viết thì công việc viết blog trở nên dễ dàng hơn rồi đó!
Xem thêm: Blog là gì và tại sao bạn nên viết blog?
Nên viết blog ở nền tảng nào?
Hiện nay có rất nhiều dịch vụ cũng như nền tảng giúp bạn xây dựng trang blog chuyên nghiệp để thoải mái viết lách. Tuy nhiên, mỗi nền tảng sẽ có những cách thức sử dụng cũng như các hạn chế khác.
Bạn nên xác định rõ từ ban đầu là nên viết blog “thử sức” hay viết blog toàn thời gian? Tùy vào mục đích, nhu cầu cũng như mong muốn có khởi nghiệp với công việc viết blog hay không mà bạn chọn nền tảng phù hợp.
Dưới đây là các nền tảng viết blog (miễn phí và trả phí) cho bạn tham khảo:
WordPress.org:
Nền tảng này được chuẩn hóa để phục vụ cho người làm website ở mức chuyên nghiệp và bảo mật nhất. Tuy nhiên, bạn phải tự cài đặt WordPress lên hosting của riêng bạn rồi sử dụng đầy đủ các tính năng đầy đủ của nền tảng này.
Hiện nay các hosting khi bạn mua đều được tích hợp sẵn WordPress rồi, bạn chỉ cần vài click là đã cài blog WordPress là xong.
WordPress.com
Đây cũng là nền tảng được xây dựng bởi WordPress nhưng bạn sẽ bị quản lý và hạn chế khá nhiều tính năng mà WordPress cung cấp. Tuy nhiên, đây sẽ là nền tảng phù hợp cho người mới để làm quen dần với việc sử dụng WordPress. Nói chúng là dùng WordPress rất dễ dàng.
Khi bạn đã quen với WordPress.com rồi thì hãy nâng cấp lên WordPress.org để viết blog nhé.
Blogger:
Đây là nền tảng xây dựng blog miễn phí của Google. Đây là nền tảng dễ sử dụng cùng nhiều tiện ích lớn được Google hỗ trợ. Qua nhiều năm sử dụng thì mình nhận thấy Blogger tốt hơn với WordPress.com vì Blogger không bị hạn chế bất cứ gì.
Webflow, Wix, Weebly:
3 nền tảng này mình thấy khá nhiều công cụ hỗ trợ giúp bạn xây dựng website hoặc blog mà không cần biết quá nhiều về mặt kỹ thuật hay lập trình.
Ghost: Đây là nền tảng được sinh ra để dành riêng cho cộng đồng blogger, nền tảng này rất phù hợp cho việc viết blog rất hiệu quả.
Tumblr:
Nền tảng này trước được xây dựng để chia sẻ tin tức, hình ảnh hoặc upload các video. Tuy nhiên, Tumblr đã phát triển khá nhanh để phục vụ cho người dùng tập trung chia sẻ nội dung do cộng đồng hơn. Và do đó, viết blog trên Tumblr cũng khá thú vị.
Medium:
Medium là nền tảng mạng xã hội lớn hiện nay. Bạn có thể tận dụng Medium để xây dựng cộng đồng và chia sẻ các bài viết chất lượng của bạn. Và đặc biệt tỷ lệ tương tác bài viết từ Medium rất lớn và dễ tăng thứ hạng trên Google hơn.
Substack: Nền tảng này khá phù hợp cho những ai muốn viết nhật ký online, đăng tin tức, tin viral,.. thì Substack là lựa chọn tốt đó.
Các nền tảng trên đa số đều miễn phí nhưng cũng có nhiều mặt hạn chế để phục vụ cho người viết blog chuyên nghiệp. Nếu để cho lời khuyên thì mình sẽ khuyến khích bạn dùng WordPress.org để xây dựng blog và viết lách.
WordPress là một mã nguồn mở được hàng ngàn các kỹ sư lập trình giỏi trên thế giới hợp tác phát triển. Và nếu có bất cứ lỗi nào thì sẽ được các kỹ sư này vá lỗi ngay lập tức và bảo mật tốt hơn qua từng phiên bản nâng cấp.
Blog Tuankynguyen.com của mình cũng được dựng trên WordPress. Mình đã sử dụng WordPress.org để viết blog với nhiều dự án khác nhau và hoàn toàn yên tâm với nền tảng chuyên nghiệp này.
Viết blog chuyên nghiệp với các bước chi tiết
Như mình đã phân tích bên trên, viết blog cá nhân sẽ chiếm lòng tin và thị hiếu của người đọc hơn là viết blog cho chuyên mục Blog của doanh nghiệp. Cái hay khi bạn viết blog cá nhân là bạn tự do chia sẻ những suy nghĩ, kiến thức và trải nghiệm cá nhân của bạn từ một lĩnh vực mà bạn am hiểu.
Người dùng cũng ngày càng khó khăn hơn trong chọn lọc thông tin để đọc. Và họ có xu hướng thích đọc các bài viết mang tính cá nhân hơn là các bài viết kiểu chia sẻ tin tức thông thường.
Dưới đây là các bước cơ bản để bạn bắt đầu xây dựng blog để viết blog:
Bước 1: Lựa chọn nền tảng viết blog
Xác định xem bạn sẽ dùng nền tảng nào để bắt đầu viết blog trước tiên: WordPress, Blogger hay là Medium, Wix…?
Nếu bạn chọn WordPress hoặc Blogger để sử dụng thì truy cập trang chủ để đăng ký tài khoản thôi.
- WordPress => WordPress.com (tên miền blog của bạn sẽ có dạng ten-blog-cua-ban.wordpress.com).
- Blogger => Blogger.com (Đăng ký bằng tài khoản Gmail, tên miền blog của bạn sẽ có dạng ten-blog-cua-ban.blogspot.com).
Bước 2: Đặt Chủ Đề và Mục Tiêu viết blog
Ở bước 1 khi đặt tên blog thì bạn có thể đặt theo tên cá nhân hoặc tên chủ đề bạn thích viết.
- Chủ đề chính của Blog: Chủ đề bạn muốn viết là gì: Công nghệ, tài chính, Blogging, WordPress,… để chia sẻ các bài viết thông tin, trải nghiệm cá nhân mà bạn biết.
- Mục tiêu của blog: Bạn viết blog nhằm mục đích gì? Bạn viết để chỉ mỗi bạn đọc thôi hay muốn nhiều người khác đọc? Mục tiêu blog có thể là xây dựng thương hiệu cá nhân, tạo cộng đồng trong lĩnh vực của bạn…
Bước 3: Xây dựng cấu trúc cho blog
Việc bạn tạo cấu trúc lên blog sẽ vừa giúp bạn dễ lên ý tưởng viết mà cũng dễ cho người đọc hiểu chủ đề blog bạn rõ hơn.
Một phần quan trọng khác của việc lập kế hoạch là xác định phong cách viết lách của bạn. Bạn có thể quyết định viết blog như một trang nhật ký cá nhân, một loạt hướng dẫn hay bất cứ điều gì mà bạn thấy phản ánh được cá tính và sở thích của mình. Phong cách viết của bạn sẽ giúp xác định cách bạn tương tác với độc giả và tạo ra sự kết nối.
Xem thêm: Viết văn dở có thể làm Blogger không?
Bước 4: Viết Bài Đầu Tiên
Trước khi bắt đầu chia sẻ về những chủ đề bạn quan tâm, hãy viết một bài giới thiệu ngắn về bản thân. Điều này giúp độc giả hiểu rõ hơn về bạn, về lý do tại sao bạn bắt đầu blog này và những gì họ có thể mong đợi từ nội dung của bạn.
Chọn chủ đề đầu tiên để đăng tải:
Việc chọn một chủ đề đầu tiên có thể là một bước quan trọng và cũng đồng thời là một thách thức. Đừng ngần ngại bắt đầu với những ý tưởng đơn giản. Chọn một chủ đề mà bạn cảm thấy thoải mái và tự tin để chia sẻ với độc giả.
Sử dụng hình ảnh:
Hình ảnh không chỉ làm cho bài viết của bạn trở nên sinh động và hấp dẫn hơn mà còn giúp độc giả dễ dàng hình dung và tương tác với nội dung của bạn hơn. Hãy chắc chắn rằng bạn sử dụng hình ảnh phù hợp và có chất lượng để làm cho bài viết của mình nổi bật.
Xem thêm: Hướng dẫn đăng bài viết trong WordPress chi tiết.
Bước 5: Tương tác và giao lưu
Khi bạn đã viết và chia sẻ bài viết của mình, đừng quên tương tác với độc giả. Hãy chia sẻ bài viết của bạn trên các mạng xã hội và hỗ trợ phản hồi từ độc giả bằng cách trả lời các bình luận và tin nhắn. Điều này giúp xây dựng một cộng đồng trung thành và tăng độ tương tác trên blog của bạn.
Ngoài việc tương tác với độc giả trên blog của bạn, đừng quên tham gia vào cộng đồng blogger. Đọc và bình luận trên blog của người khác để xây dựng mối quan hệ, thu thập ý kiến và có cơ hội được quảng bá cho blog của bạn.
Bước 6: Duy trì và phát triển Blog
Một trong những yếu tố quan trọng nhất để thành công với việc viết blog là duy trì một lịch đăng bài đều đặn. Dù là hàng tuần, hàng tháng hoặc theo một lịch trình khác, việc duy trì sự nhất quán trong việc cập nhật nội dung giúp bạn giữ lấy sự quan tâm của độc giả và tạo ra một thói quen cho chính bạn.
Cuối cùng, để blog của bạn phát triển theo thời gian, hãy mở rộng chủ đề và thử nghiệm với các loại bài viết khác nhau.
Tạm kết
Như vậy là mình đã giải thích cặn kẽ về việc viết blog là gì cũng như định hướng xây dựng và phát triển blog rồi. Tuy nhiên, bài viết này mình không đi sâu hướng dẫn xây dựng một trang blog cá nhân. Nếu bạn cần một bài blog hướng dẫn cụ thể hơn thì hãy đọc bài Hướng dẫn cách tạo blog cá nhân kiếm tiền nha.
Bài viết đó là một CASE STUDY bài bản nhất mà mình dành cho những bạn mới bắt đầu tìm hiểu việc viết blog và kiếm tiền từ blog cách thụ động nhất.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết này, hãy chia sẻ nó lên Facebook hoặc các mạng xã hội cá nhân của bạn nhé. Mình sẽ cảm kích rất nhiều đấy.